Thực phẩm gắn mác “sạch”, “hữu cơ” đang được bán ầm ợ trong siêu thị với giá cao hơn ngoài chợ, nhưng chính người bán cũng không chắc chắn được chất lượng có đáng tin hay không.
Giá đỗ “sạch” lại chứa hoá chất độc hại
Vụ việc giá đỗ ngâm hoá chất độc hại được phát hiện tại cửa hàng Bách Hóa Xanh Đăk Lăk đang gây bất bình trong dư luận. Hàng trăm tấn giá đỗ mang nhãn mác “vì sức khoẻ mọi người”, “không hoá chất” được bán trên hệ thống, nhưng thực chất lại là hàng “bẩn”. Khi công an phanh phui sự thật, chuỗi cửa hàng vội vã thu hồi sản phẩm và kiểm nghiệm lại.
Khó kiểm chứng chất lượng
Phóng viên ghi nhận nhiều loại thực phẩm gắn mác “hữu cơ”, “sạch” bày bán trên kệ, nhưng khi hỏi về khả năng kiểm chứng, nhân viên chỉ biết rằng: “Bên công ty phụ trách nhập và kiểm tra”. Toàn bộ đội ngũ chỉ “có gì bán nấy”.
Thậm chí, một sản phẩm “salad baby” hế tươi và quá hạn sử dụng vẫn được bán giảm giá 15%. Tính đến thời điểm khảo sát, sản phẩm đã quá hạn 2 ngày.
Trách nhiệm thuộc về ai?
Chuyên gia kinh tế Bùi Trinh nhận định, việc phó mặc người mua tự kiểm chứng thực phẩm “sạch” đang biểu hiện sự thiếu trách nhiệm từ phía đơn vị kinh doanh. “Người dân tin vào sự uy tín nên mới trả nhiều tiền hơn để mua hàng sạch. Nay chính người bán còn không chắc chắn thì đây là biểu hiện thiếu đạo đức kinh doanh”.
Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đặt lợi ích khách hàng lên hàng đầu. “Kinh doanh thực phẩm sạch phải luôn khẳng định và kiểm chứng rằng nó thật sự sạch”.
Cần chế tài mạnh tay
Theo ông Vũ Văn Trung, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, việc kinh doanh thực phẩm độc hại đội lốt “sạch” đã vi phạm Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. “Cơ quan chức năng cần có các biện pháp chế tài mạnh tay, nhằm siết chặt hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm gắn mác ‘sạch'”, ông Trung nhấn mạnh.
Người tiêu dùng cũng được khuyến khích mạnh dạn lên tiếng khi quyền lợi bị xâm phạm, bảo vệ sức khoẻ chính mình. Chỉ khi tất các bên liên quan cùng hành động, thị trường thực phẩm sạch mới thực sự sạch.