Trong 4 tháng đầu năm nay, Thái Lan chi tới 22,5 triệu USD để nhập khẩu sầu riêng Việt Nam gồm cả sản phẩm nguyên trái và đông lạnh.
Theo thông tin từ Hiệp hội Rau quả Việt Nam, trong 5 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng Việt Nam đạt hơn 800 triệu USD, chiếm 40% kim ngạch xuất khẩu rau quả Việt Nam. Trung Quốc tiếp tục là thị trường nhập khẩu sầu riêng hàng đầu của Việt Nam.
Đáng chú ý, tính riêng trong 4 tháng đầu năm, Thái Lan – nước xuất khẩu sầu riêng lớn nhất thế giới, lại chi tới 22,5 triệu USD để nhập khẩu sầu riêng Việt Nam, tăng 82% so với cùng kỳ năm trước.
Gây bất ngờ
Như vậy Thái Lan trở thành nước nhập khẩu loại quả này lớn thứ hai của Việt Nam, chỉ sau Trung Quốc. Đây là thông tin gây bất ngờ cho nhiều người.
Trao đổi với PLO, ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch Hiệp hội rau quả Việt Nam (Vinafruit) cho biết, lý do Thái Lan tăng nhập khẩu sầu riêng Việt Nam là vì thời điểm đó họ chưa vào vụ mùa thu hoạch. Trong khi, du khách Trung Quốc đến Thái Lan rất nhiều, nên họ phải nhập hàng về để phục vụ mục đích du lịch nội địa.
Chưa kể, năm nay, dù vào thời điểm thu hoạch nhưng hạn hán kéo dài đã khiến sản lượng sầu riêng của nước này giảm sút đáng kể về sản lượng và chất lượng.
“Có thể việc nhập khẩu sầu riêng của chúng ta là để bù đắp nguồn cung bị thiếu hụt. Dù không có thông tin chính xác nhưng theo cá nhân tôi họ nhập khẩu để phục vụ cho các hoạt động chế biến, du lịch trong nước cũng như xuất khẩu sang nước thứ ba, mà đích đến có lẽ vẫn là Trung Quốc.
Bởi lẽ một nước đứng đầu về sầu riêng, dù mất mùa nhưng sản lượng vẫn cao hơn Việt Nam, và không thể thiếu tới mức phải nhập khẩu chỉ để phục vụ nội địa. Do đó mục đích xuất khẩu cho thị trường thứ 3 có khả năng rất lớn”- Chủ tịch Vinafruit bình luận.
Ông Bình thông tin thêm, hiện nay Thái Lan nhập khẩu cả sầu riêng tươi lẫn sầu riêng đông lạnh của Việt Nam. Trong đó sầu riêng đông lạnh là mặt hàng xuất khẩu nhiều nhất qua Thái Lan.
“Giá sầu riêng đông lạnh của chúng ta đang rất cạnh tranh nên thu hút được Thái Lan khi nhập khẩu. Hiện tại, Thái Lan và Trung Quốc đã có nghị định thư về sầu riêng đông lạnh nên xuất khẩu sầu riêng đông lạnh rất dễ dàng. Điều này cũng bổ sung thêm cho suy đoán việc Thái Lan nhập sầu đông lạnh Việt Nam để xuất sang nước thứ ba là có khả năng cao.
Nếu như trong thời gian tới, sầu riêng đông lạnh được chính thức xuất khẩu vào Trung Quốc, chắc chắn cơ hội cho sầu riêng Việt sẽ càng rộng mở”- ông Bình nói thêm.
Bà Trần Thị Yến Phi, Giám đốc Điều hành Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ DSW, doanh nghiệp chuyên xuất khẩu nông sản chế biến trên các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới, cũng nhìn nhận cùng với xuất khẩu truyền thống, hiện nay mặt hàng sầu riêng cũng được ưa chuộng trên Alibaba.com.
Trong đó Trung Quốc và Thái Lan là hai bạn hàng lớn đối với công ty. Đáng chú ý, trong tháng 5-2024, nhu cầu nhập khẩu sầu riêng đông lạnh của Thái Lan khá cao, giá bán ra cũng tốt hơn so với cùng kỳ năm trước.
Số liệu từ Tổng cục Hải Quan Trung Quốc cũng chỉ ra, trong tháng 4, giá sầu riêng Việt Nam bán vào thị trường Trung Quốc là 4,22 USD/kg, thấp hơn đến 1,16 USD so với sản phẩm cùng loại của Thái Lan. Điều này đã giúp sầu riêng Việt Nam nhanh chóng mở rộng thị phần, nhiều người Trung Quốc được dùng sầu riêng và dùng thường xuyên hơn.
Thông tin từ Cục bảo vệ thực, Bộ NN-PTNT cho biết, đơn vị này đã và đang xúc tiến đàm phán với Ấn Độ để mở rộng thị trường xuất khẩu cho sầu riêng Việt Nam. Như vậy, sau thị trường Trung Quốc, thì Ấn Độ sẽ là thị trường tỉ dân đầy kỳ vọng đối với nông sản Việt Nam.
Nhiều kỳ vọng về sầu riêng
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Vinafruit cho biết, hiện nay, xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc đang có nhiều lợi thế về chất lượng, khả năng sản xuất sầu riêng trái vụ, điều mà Thái Lan chưa làm được. Ngoài ra còn lợi thế về giá bán và chi phí logistics.
Vì thế, dù nhu cầu tiêu thụ sầu riêng Trung Quốc có giảm sút so với cùng kỳ nhưng so với dung lượng thị trường thì vẫn ở mức cao. Điều này mở ra cơ hội cho nông sản này ở Việt Nam.
Ông Nguyên thông tin thêm, hiện tại giá sầu riêng thu mua tại vườn đang có xu hướng giảm vì nguồn cung đã tăng hơn 20% so với cùng kỳ. Song cơ hội vẫn luôn có, nhất là khi Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đang xúc tiến mở rộng thị trường xuất khẩu cho sầu riêng, mà gần nhất là thị trường tỉ dân Ấn Độ.
Hiện nay các quốc gia ngày càng siết chặt việc truy xuất nguồn gốc, vệ sinh an toàn thực phẩm đối với nông nghiệp nói chung, và sầu riêng nói riêng. Do đó để xuất khẩu bền vững thì các địa phương phải tổ chức lại cấu trúc ngành hàng bền vững. Trong đó, phải có sự hiện diện của cả sản xuất và tiêu thụ.
Bởi điều quan trọng với ngành hàng sầu riêng Việt Nam không phải là cạnh tranh với Thái Lan mà cần nâng cao chất lượng để đáp ứng tốt hơn nhu cầu thị trường
Ở góc độ doanh nghiệp xuất khẩu trực tuyến, bà Yến Phi cũng nhìn nhận, từ tháng 7 tới tháng 12 nhu cầu về sầu riêng, đặc biệt là sầu riêng đông lạnh sẽ cao và cơ hội vẫn còn tiếp tục để doanh nghiệp tạo ra doanh thu cuối năm.
Ông Nguyễn Văn Mười, trưởng đại diện phía Nam Hội làm vườn Việt Nam, cho rằng Việt Nam và Thái Lan là hai quốc gia có nhiều sản phẩm tương đồng. Như trồng sầu riêng, Thái Lan phát triển trước Việt Nam hàng chục năm.
Tuy nhiên, khi sầu riêng Việt Nam xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, Thái Lan không đối đầu mà quay lại hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam.
Từ trước tới giờ Thái Lan xuất khẩu sầu riêng tươi và đông lạnh sang Trung Quốc. Tuy nhiên, sầu riêng Thái Lan chỉ có một mùa từ tháng 4-9 trong khi Việt Nam với lợi thế sầu riêng có quanh năm. Do đó, Thái Lan buộc phải mua hàng của chúng ta để đáp ứng đơn hàng cho thị trường Trung Quốc.
“Theo tôi biết các doanh nghiệp xuất khẩu của Thái Lan trước đây đã sang Việt Nam hợp tác với các nhà vườn, công ty trong nước để xuất khẩu sầu riêng trực tiếp từ Việt Nam sang Trung Quốc”-ông Mười nói.
Theo ông Mười, doanh nghiệp Thái Lan cũng hợp tác với doanh nghiệp Việt để bán sầu riêng qua Trung Quốc, xuất xứ vẫn là Việt Nam. Điều này là tốt vì họ giúp bán hàng cho nông dân.
“Khi làm việc cùng một số doanh nghiệp Thái Lan, họ cho biết đã đầu tư kho ở Tây Nguyên thu mua để xuất khẩu sang Trung Quốc”-ông Mười kể.
Theo ông Mười, khi đến tỉnh Chonburi (Thái Lan) hỏi dò người nông dân Thái nhìn nhận gì về người trồng sầu riêng Việt Nam thì họ “nể” vì nông dân Việt Nam rất giỏi về kỹ thuật.
Tuy nhiên, muốn chất lượng sầu riêng đồng đều Việt Nam cần ban hành các tiêu chuẩn chất lượng quốc gia và tiến tới xây dựng các quy định pháp luật đủ mạnh để người dân tuân thủ thực hiện.
Thái Lan đã xây dựng luật riêng quản lý sầu riêng. Ngoài ra còn có luật bảo vệ người tiêu dùng. Theo đó, Thái Lan quy định nếu người nông dân, người làm thương mại cố tình bán sầu riêng non thì bị quy tội lừa gạt người tiêu dùng, sẽ phạt rất nặng hoặc phạt tù. Do đó, người nông dân, DN ý thức được trách nhiệm của họ không dám vi phạm.
Đồng thời tránh việc thu hoạch trái non, họ thành lập các đơn vị để hỗ trợ người nông dân kiểm định chất lượng trước khi thu hoạch.
Ngoài tính tuổi sầu riêng, người trồng mang sầu riêng tới điểm kiểm tra, nếu đảm bảo chất lượng sẽ được cấp giấy chứng nhận. Giấy này theo trái sầu riêng ra đến thị trường.
Vì vậy, về quản lý nhà nước chúng ta cần học hỏi bài học từ Thái Lan.
TÚ UYÊN