Dự báo hàng hóa nông sản, đặc biệt là nhóm hàng rau quả, lúa gạo tiếp tục khởi sắc trong năm 2024. Song để mục tiêu kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 54 – 55 tỷ USD đòi hỏi ngành nông nghiệp linh hoạt thực hiện các giải pháp ứng phó với chính sách của đối tác nhập khẩu, cũng như hỗ trợ doanh nghiệp ký kết đơn hàng mới.
Dự báo hàng hóa nông sản, đặc biệt là nhóm hàng rau quả, lúa gạo tiếp tục khởi sắc trong năm 2024. Bên cạnh nhu cầu từ thị trường, chất lượng nông sản xuất khẩu ngày càng nâng cao và đáp ứng tốt yêu cầu của thị trường khó tính là nhân tố quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu nông sản.
Yêu cầu từ thị trường ngày càng khắt khe
Thực tế thời gian gần đây hàng nông sản Việt Nam đã có nhiều mặt hàng ghi dấu ấn với thế giới. Trong đó, phải kể đến việc mới đây, giống gạo ST25 từng đạt danh hiệu gạo ngon nhất thế giới và giống gạo ST24 chính thức được hưởng ưu đãi thuế quan khi xuất khẩu vào thị trường Liên minh châu Âu (EU).
Trước đó, 9 giống gạo của Việt Nam đã được hưởng ưu đãi thuế khi xuất khẩu vào EU, được xem là cơ hội gia tăng kim ngạch xuất khẩu gạo vào thị trường đầy tiềm năng này cũng như tăng giá trị xuất khẩu cho nông nghiệp Việt Nam.
Cùng với đó, Việt Nam trở thành nước đầu tiên trên thế giới trồng lúa giảm phát thải khi triển khai Đề án 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL từ cuối năm 2023. Lĩnh vực lâm nghiệp cũng ghi dấu ấn quan trọng khi lần đầu tiên xuất khẩu thành công lượng giảm phát thải 10,3 triệu tấn carbon cho Quỹ Đối tác carbon trong lâm nghiệp thông qua Ngân hàng Thế giới, thu về 1.200 tỷ đồng. Điều đó cho thấy, không chỉ thay đổi từ tư duy sản xuất sang tư duy kinh tế, ngành nông nghiệp tiếp tục hướng tới sản xuất xanh và bền vững.
Với những thế mạnh, vị thế, uy tín của nông sản Việt Nam ngày càng được khẳng định cho thấy, chúng ta đang có lợi thế rất lớn hướng đến những kỷ lục mới trong năm 2024. Tuy nhiên, để ngành nông nghiệp bứt phá đòi hỏi các giải pháp đồng bộ để nâng chất lượng cho hàng nông sản xuất khẩu.
Việt Nam hiện đang tham gia 19 hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương; trong đó có 16 hiệp định đã ký kết chính thức và 3 hiệp định đang tiến hành đàm phán. Đây là thuận lợi lớn cho ngành nông nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản. Tuy nhiên điều này cũng đặt ra thách thức trong tuân thủ cam kết bắt buộc áp dụng cùng các quy định về biện pháp kiểm dịch động thực vật (SPS) khi xuất khẩu hàng hóa.
Trung Quốc, thị trường số 1 về xuất khẩu nông sản Việt Nam, cũng đặt ra nhiều quy định liên quan đến chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm với hàng loạt các văn bản quy định, như: Lệnh 248 về “Quy định Quản lý đăng ký doanh nghiệp (DN) sản xuất thực phẩm nước ngoài nhập khẩu” và Lệnh 249 về “Biện pháp quản lý an toàn thực phẩm xuất nhập khẩu”… Các tiêu chuẩn quốc gia về an toàn thực phẩm, gồm: Tiêu chuẩn sử dụng phụ gia thực phẩm; Tiêu chuẩn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật; Tiêu chuẩn dư lượng thuốc thú ý…
Với thị trường Nhật Bản, ông Ngô Xuân Nam – Phó Giám đốc Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp Quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật (Văn phòng SPS Việt Nam) cho biết, Nhật Bản có các tiêu chuẩn chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm tương đương (và cao hơn) tiêu chuẩn quốc tế thông thường. Trong đó, Nhật Bản đòi hỏi sản phẩm nhập khẩu phải tuân thủ các quy định trong Luật Vệ sinh thực phẩm, Luật Tiêu chuẩn nông nghiệp và Luật Đo lường.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) cũng cho biết, hiện các thị trường liên tục có những quy định kiểm dịch, an toàn thực phẩm mới chính vì vậy, nâng chất lượng sản phẩm, khơi thông thị trường là giải pháp quan trọng để xuất khẩu nông sản bứt phá.
Nâng chất lượng để đi đường dài
Thị trường quốc tế và chuỗi cung ứng toàn cầu đã có những thay đổi nhanh chóng, đặc biệt từ sau giai đoạn Covid-19. Một số khu vực tỏ ra nhạy cảm hơn trước các biến đổi. Hàng rào kỹ thuật của các quốc gia nhập khẩu sẽ có xu hướng gia tăng, theo hướng yêu cầu cao về truy xuất nguồn gốc, chất lượng, cũng như mẫu mã, bao bì. Trên đà hội nhập kinh tế thế giới, nếu không có những thay đổi để thích ứng thì dù có lợi thế cũng để tuột mất cơ hội.
Từ thực tế trên, nhiều chuyên gia cho rằng, cần tổ chức sản xuất bài bản để đi đường dài, vươn ra các thị trường trên toàn cầu. Để giữ uy tín, thị trường cho nông sản xuất khẩu Việt Nam, Bộ NNPTNT cần quyết liệt chỉ đạo các đơn vị chuyên ngành trong việc giám sát mã số sau vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói đều phải đáp ứng được những yêu cầu về kiểm dịch thực vật cũng như an toàn thực phẩm quy định trong các Nghị định thư.
Ở góc độ DN, bà Nguyễn Thị Lan Hương – Chủ tịch Câu lạc bộ Nông nghiệp công nghệ cao, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần sản xuất và Xuất nhập khẩu Việt Phúc cho biết, DN rất cần thông tin cập nhật từ các thị trường. Bà Hương cho hay, DN đã phải rất vất vả để có được mã số vùng trồng khoai lang xuất khẩu nhưng có được rồi cũng không dễ dàng xuất khẩu vì các yêu cầu thị trường ngày một khắt khe, khâu chế biến chưa hoàn thiện được như đòi hỏi của thị trường nhập khẩu.
Bên cạnh nâng chất lượng sản phẩm, theo các chuyên gia kinh tế, kéo giảm chi phí ở khâu logistics sẽ là động lực đưa nông sản Việt Nam vươn xa. Do đó, cần phải thúc đẩy logistics xuyên biên giới.
“Chi phí logistics nông nghiệp ở Việt Nam cao hơn Thái Lan 6%, Malaysia 12% và cao hơn Singapore 30%. Trên tổng thể, chi phí logistics của Việt Nam chiếm khoảng hơn 20% GDP; trong khi đó, mức chi phí logistics trung bình trên thế giới, chỉ khoảng 11% GDP” – TS Nguyễn Anh Phong – Phó viện trưởng Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ NNPTNT) cho biết.
Ông Đặng Đình Long – Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Tổng Giám đốc Tập đoàn Mega A nêu quan điểm, logistics xuyên biên giới sẽ xử lý tất cả các khâu liên quan tại một điểm và điều này rất quan trọng, nhất là đối với nông sản, thực phẩm đòi hỏi thời gian nhanh để bảo đảm chất lượng và độ tươi ngon. Thực hiện logistics xuyên biên giới, tổng chi phí dịch vụ sẽ giảm từ 5-8%.
Để logistics là động lực thúc đẩy ngành nông nghiệp phát triển, hiện Bộ NNPTNT đang xây dựng dự thảo Đề án “Phát triển hệ thống dịch vụ logistics nâng cao chất lượng và năng lực cạnh tranh của nông sản Việt Nam đến năm 2030”.
Đặc biệt, Bộ NNPTNT đề xuất thực hiện 3 dự án: Thiết lập chuỗi logistics nông, lâm, thủy sản đường bộ xuyên biên giới kết nối thị trường Việt Nam, Lào, Campuchia, Trung Quốc; thiết lập chuỗi hạ tầng logistics nông, lâm, thủy sản xuất khẩu tích hợp thương mại điện tử và vận tải đa phương thức; thiết lập chuỗi logistics nông, lâm, thủy sản đường hàng không kết nối thị trường ASEAN, Trung Quốc; trong đó chú trọng ứng dụng thương mại điện tử xuyên biên giới.