Khi tham gia xuất khẩu trực tuyến, doanh nghiệp cần xác định đây là cuộc chơi dài hạn, phải đầu tư để có kế hoạch kinh doanh nghiêm túc, phải tạo giá trị cộng thêm bằng việc xây dựng thương hiệu…
Trên đây là khuyến nghị được đưa ra tại Hội nghị “Thương mại điện tử xuyên biên giới năm 2024 – Tinh hoa hàng Việt, cất cánh toàn cầu” do Amazon Global Selling Việt Nam phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) tổ chức ngày 22/5, tại Hà Nội.
SẢN PHẨM VIỆT BÁN RA TRÊN AMAZON TĂNG 300%
Số liệu Amazon đưa ra cho thấy, trong 5 năm qua (2019-2023) các doanh nghiệp Việt Nam ngày càng mở rộng phạm vi kinh doanh quốc tế với số lượng sản phẩm bán ra trên Amazon tăng 300% trong 5 năm qua.
Năng lực xuất khẩu qua thương mại điện tử của Việt Nam ngày càng tăng. Cụ thể, số lượng doanh nghiệp Việt Nam đạt doanh số 1 triệu USD/năm trên Amazon tăng vọt gấp 10 lần trong vòng 5 năm.
Trong 5 năm, số lượng các đối tác bán hàng Việt Nam tham gia chương trình Đăng ký Thương hiệu (Brand Registry) của Amazon tăng gấp 35 lần.
Năm 2023, số lượng các đối tác bán hàng Việt Nam sử dụng Hoàn thiện đơn hàng bởi Amazon (FBA) tăng hơn 300% so với năm 2019.
Dữ liệu cũng trong 5 năm qua từ Amazon cho thấy, danh mục sản phẩm có tỷ lệ tăng trưởng cao nhất từ các đối tác bán hàng Việt gồm: Sức khỏe và chăm sóc cá nhân, nhà cửa, nhà bếp, may mặc và làm đẹp.
Ông Gijae Seong, Giám đốc điều hành Amazon Global Selling Việt Nam nhận định, đây là 5 xu hướng phát triển quan trọng của xuất khẩu thương mại điện tử Việt Nam trong 5 năm qua. Điều này cho thấy, sự linh hoạt, tinh thần chủ động vươn ra toàn cầu và sẵn sàng đa dạng hóa danh mục sản phẩm nhằm đáp ứng thị hiếu tiêu dùng quốc tế của các doanh nghiệp Việt Nam, đồng thời củng cố vị thế của Việt Nam ngày càng tăng trong lĩnh vực xuất khẩu qua thương mại điện tử.
Chính sự tăng trưởng nhanh chóng của thương mại điện tử xuyên biên giới của Việt Nam đã khiến các doanh nghiệp này tự tin và quyết tâm mở rộng quy mô hiện diện cho thương hiệu trên toàn cầu, nâng cao khả năng hiển thị trực tuyến và khả năng cạnh tranh trên toàn thế giới.
Hơn nữa, việc tận dụng giải pháp vận hành từ Amazon tạo điều kiện cho doanh nghiệp mở rộng hiện diện thương hiệu ra quốc tế một cách nhanh chóng, song song mang đến trải nghiệm mua sắm liền mạch cho khách hàng.
Đặc biệt, các doanh nghiệp Việt Nam đã nỗ lực đổi mới không ngừng, liên tục mở rộng, đa dạng hóa danh mục sản phẩm, đáp ứng thị hiếu ngày càng tăng của khách hàng. Lấy khách hàng làm trọng tâm là cách tiếp cận tạo yếu tố cạnh tranh quan trọng cho các doanh nghiệp Việt. Điều này cũng cho thấy khả năng thích ứng linh hoạt để phát triển trên trường quốc tế, trở thành nhà cung ứng ngày một quan trọng trong thương mại điện tử xuyên biên giới.
Đánh giá điểm mạnh của doanh nghiệp Việt Nam khi bán hàng trên Amazon, theo ông Gijae Seong đó là sự năng động, sôi nổi hàng đầu trong khu vực. Chính điều này góp phần làm cho số lượng doanh nghiệp tham gia thương mại điện tử xuyên biên giới ngày càng tăng, cũng như có kỹ năng ban đầu nhất định để nhập cuộc nhanh.
Bên cạnh đó là năng lực sản xuất cung ứng của doanh nghiệp Việt Nam ở những ngành hàng mũi nhọn. Một số ngành hàng như gỗ, dệt may cho thấy doanh nghiệp Việt Nam có kỹ năng tốt, lợi thế trên thị trường. Chất lượng sản phẩm Việt Nam cũng không thua kém những sản phẩm được sản xuất ở các nước phát triển khác.
DOANH NGHIỆP THIẾU KINH NGHIỆM BÁN LẺ B2C
Tuy nhiên, bên cạnh những thế mạnh vẫn còn tồn tại những hạn chế nhất định của doanh nghiệp cũng như sản phẩm Việt Nam. Đó là đa phần các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu B2B – sản xuất theo đơn đặt hàng lớn nên khi chuyển sang làm bán lẻ B2C thì thiếu kinh nghiệm sản xuất các sản phẩm đáp ứng yêu cầu thay đổi rất nhanh của khách hàng trên toàn cầu.
Hàng loạt câu hỏi đặt ra: như làm sao để hàng hoá từ Việt Nam đến tay khách hàng ở Mỹ nhanh; làm sao để hoàn thiện đơn hàng, làm sao để xây dựng thương hiệu trên môi trường online… “Các doanh nghiệp Việt Nam thiếu kinh nghiệm hoàn chỉnh trong xuất khẩu bán lẻ trên môi trường trực tuyến”, ông Gijae Seong nhấn mạnh.
Mặt khác, các doanh nghiệp kinh doanh online “đi” theo kiểu lướt sóng, không có kế hoạch kinh doanh dài hạn, tham gia với tâm thế “thử bán xem thế nào”. Nhiều sản phẩm doanh nghiệp bán tốt ở Việt Nam rồi họ muốn bán thử trên thị trường quốc tế. Đây không phải là cách tiếp cận mang lại thành công dài hạn trên sân chơi toàn cầu.
Chia sẻ tại hội nghị, ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam cũng cho biết dù là ngành hàng có mức tăng trưởng xuất khẩu cao trên Amazon, tuy nhiên số lượng doanh nghiệp tham gia thương mại xuyên biên giới còn hạn chế. Ngành gỗ vẫn bộc lộ nhiều yếu kém do đa số doanh nghiệp nhỏ và vừa, chủ yếu gia công từ các đơn hàng đặt từ bên ngoài. Công nghiệp gỗ vẫn phải dựa vào một số lợi thế so sánh đang cạn dần, như nguyên liệu từ vùng trồng của người nông dân nên giá tương đối rẻ, năng lực tiếp thị và xúc tiến thương mại còn yếu kém…
Tương tự, ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội dệt may Việt Nam cũng cho biết, cũng như ngành gỗ, dệt may vẫn chủ yếu xuất khẩu bằng thương hiệu nước ngoài, bằng thương hiệu Việt rất ít. Đây chính là điểm yếu của ngành dệt may Việt Nam.
ĐỊNH HÌNH TẦM NHÌN VÀ LỘ TRÌNH XUẤT KHẨU THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ
Để sản phẩm gỗ và dệt may Việt Nam vươn rộng ra thế giới, các ý kiến cho rằng doanh nghiệp cần xây dựng thương hiệu, nghiên cứu thị hiếu của người tiêu dùng trên toàn cầu… Thương mại điện tử chính là cách giúp doanh nghiệp đưa sản phẩm trực tiếp tới tay người tiêu dùng, qua đó thương hiệu của doanh nghiệp cũng được người tiêu dùng biết đến nhanh hơn.
Ông Gijae Seong khuyến nghị doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia xuất khẩu trực tuyến cần xác định đây là cuộc chơi dài hạn, phải đầu tư để có kế hoạch kinh doanh nghiêm túc, tức là không chỉ bán sản phẩm không, không chỉ là câu chuyện cạnh tranh về giá mà còn phải tạo giá trị cộng thêm bằng việc xây dựng thương hiệu.
Đồng thời cải thiện hơn kinh nghiệm xuất khẩu trực tuyến B2C, xây dựng kế hoạch kinh doanh dài hạn bằng việc cải tiến sản phẩm dựa trên nhu cầu thị trường thay đổi nhanh chóng, xây dựng thương hiệu để phát triển bền vững…
Đại diện Amazon chia sẻ, những năm trước Amazon đến với doanh nghiệp Việt Nam mang tính dàn hàng ngang, đại trà tức là giới thiệu tiềm năng, cơ hội xuất khẩu online. Nhưng những năm gần đây sau khi đã có những bước đi ban đầu, được trò chuyện, hỗ trợ doanh nghiệp thì thấy các doanh nghiệp ở mỗi ngành nghề khác nhau có câu hỏi, cách thức khác nhau.
Vì thế, tới đây Amazon sẽ định hình tầm nhìn và lộ trình giúp các doanh nghiệp Việt Nam phát triển và khai thác tiềm năng xuất khẩu thương mại điện tử, đặt trọng tâm vào: Ươm mầm nguồn nhân lực thương mại điện tử xuyên biên giới cho Việt Nam; thúc đẩy mạng lưới nhà cung cấp dịch vụ thương mại điện tử xuyên biên giới; kết nối và tăng cường nội lực cho sản xuất địa phương; quảng bá thương hiệu Việt Nam ra thế giới.