Nông sản, thực phẩm là một trong những mặt hàng xuất khẩu thế mạnh của Việt Nam và đang có nhiều tiềm năng để tiến sâu hơn vào thị trường châu Âu.
Thị trường nhiều tiềm năng
Ngày 7/3, tại TP. Hồ Chí Minh, Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương) chi nhánh tại TP. Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo tư vấn thông tin xuất nhập khẩu thị trường Anh quốc và thị trường châu Âu.
Theo ông Nguyễn Hữu Tâm, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại chi nhánh TP. Hồ Chí Minh (Bộ Công Thương), châu Âu là một trong những thị trường xuất khẩu nông sản lớn nhất của Việt Nam. Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA) được coi là cơ hội để nông sản Việt liên kết sâu rộng vào thị trường lớn, có giá bán cao.
Trong giai đoạn 2019 – 2023 xuất khẩu hàng nông sản của Việt Nam sang thị trường này có xu hướng tăng trưởng ổn định, bất chấp những khó khăn, thách thức tại khu vực. Xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản sang châu Âu chiếm tỷ trọng cao trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước như: Cà phê, hạt điều, hạt tiêu…
Năm 2024, Bộ Công Thương xác định, châu Âu vẫn là thị trường xuất khẩu có tiềm năng lớn để phát triển. Hiện nay, châu Âu là một trong những thị trường lớn và tiềm năng nhất thế giới với dân số hơn 740 triệu người và GDP đạt trên 18.000 tỷ USD. Ngoài ra, các quốc gia trong khu vực châu Âu cũng có nhu cầu cao về các mặt hàng như đồ gia dụng, thực phẩm, sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm thủ công mỹ nghệ… Đây là những sản phẩm thế mạnh của Việt Nam. Mặc dù vậy đây cũng là thị trường khó tính với nhiều tiêu chuẩn khắt khe đòi hỏi doanh nghiệp Việt Nam phải luôn thay đổi và thích ứng.
Chia sẻ bên lề hội thảo, ông Nguyễn Việt Xuân – Giám đốc Công ty Cổ phần Sâm Ngọc Linh Tumơrông Kon Tum cho biết, với mặt hàng sâm, châu Âu là thị trường mới nhưng rất tiềm năng.
Theo ông Xuân, người tiêu dùng châu Âu ít dùng các sản phẩm sâm tươi hay rượu sâm như khu vực châu Á. Để chinh phục thị trường này, doanh nghiệp đã nghiên cứu và sản xuất thêm các dòng sản phẩm như: Cà phê sâm, trà sâm ngọc linh, các sản phẩm thực phẩm chức năng từ sâm ngọc linh. “Tham dự hội thảo này chúng tôi muốn tìm hiểu thị trường châu Âu để đem sản phẩm quốc bảo của Việt Nam đến với người tiêu dùng các quốc gia này”, ông Xuân kỳ vọng.
Doanh nghiệp cần lưu ý gì?
Chia sẻ về kinh nghiệm khai thác thị trường châu Âu, ông Mã Thanh Danh – Chủ tịch Công ty Cổ phần tư vấn quốc tế CIB – Phó Tổng giám đốc Kido Group cho biết, các doanh nghiệp nông sản, thực phẩm phải nắm vững thông tin, nhu cầu thị trường. Việc này có thể tìm hiểu thông qua các Đại sứ quán hay Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài.
“Khi đi xuất khẩu, đầu tiên phải tìm đến đại sứ quán bởi không ai khác mà chính đại sứ quán – những người trực tiếp ở tại thị trường đó sẽ tư vấn cho doanh nghiệp về nhu cầu thị trường, mùa nào xuất hàng nào, quy định quy chuẩn như thế nào, mua sản phẩm nào để được ưu đãi nhất…”, ông Mã Thanh Danh nhấn mạnh và nêu điển hình như với mặt hàng cà phê.
Theo ông Danh, người tiêu dùng châu Âu chủ yếu dùng cà phê Arabica, trong khi đó, Việt Nam là nước xuất khẩu lớn cà phê Robusta. Số liệu thống kê cho thấy năm 2023 Đức là thị trường xuất khẩu cà phê lớn nhất của Việt Nam. Tuy nhiên ông Danh lưu ý rằng, chúng ta xuất khẩu cà phê sang Đức, song người tiêu dùng cuối chủ yếu là người châu Á. Vì thế doanh nghiệp nên tận dụng mạng lưới Việt kiều tại châu Âu để xuất khẩu và lan tỏa các sản phẩm của mình.
Ngoài ra, doanh nghiệp có thể xuất khẩu tại chỗ thông qua các siêu thị nước ngoài tại Việt Nam. “Nếu xuất hàng vào Hàn Quốc thì chào hàng vào Emart, còn Nhật Bản – chào hàng vào Aone… bởi khi sản phẩm đã vào được siêu thị thì việc chào sản phẩm với khách hàng tại nước đó sẽ thuận lợi hơn”- ông Danh cho biết thêm
Ngoài ra, ThS, luật sư Vũ Xuân Hưng – Trưởng phòng Pháp chế Trọng tài Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Chi nhánh khu vực TP. Hồ Chí Minh bổ sung: Khu vực châu Âu có thị trường Anh và khối Liên minh châu Âu EU. Đây là những thị trường đã có các FTA thế hệ mới với Việt Nam. Theo lộ trình giảm thuế, hàng nông sản, thực phẩm của Việt Nam đang có nhiều ưu đãi và thuận lợi hơn so với các nước trong khu vực. Dù vậy, với khối thị trường này, quan trọng nhất không phải là thuế quan mà là các hàng rào phi thuế quan. Do đó, doanh nghiệp khi muốn xuất khẩu vào thị trường này phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm, đặc biệt là truy xuất nguồn gốc.